Dự Hội nghị có Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Triệu Thế Hùng.... cùng đại diện các bộ, ban, ngành; các đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL, Cục Thể dục thể thao; các Sở VHTT, Sở VHTTDL, Hiệp hội, Liên đoàn thể thao quốc gia...
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là một bước tiến mới, đánh dấu sự chuyển đổi mạnh mẽ trong cách tiếp cận và phát triển thể thao của đất nước.
Đây cũng là cơ sở pháp lý để thu hút đầu tư, phân bổ nguồn lực; khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh nhằm hiện thực hóa mục tiêu "Xây dựng nền TDTT phát triển bền vững, chuyên nghiệp" đến năm 2045.
Đáng chú ý, nhiều tham luận đã được các đại biểu tham gia đóng góp tại hội nghị để việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam sát với thực tế, góp phần giúp thể thao Việt Nam vươn tầm quốc tế trong giai đoạn tiếp theo.
Một trong những tham luận đáng chú ý tại hội nghị là của Liên đoàn bóng đá Việt Nam, với chủ đề về những giải pháp để giúp nâng cao thành tích của bóng đá Việt Nam trong giai đoạn tới.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Trần Anh Tú, Phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) khẳng định bóng đá Việt Nam trong giai đoạn từ 2010 đến 2020, đặc biệt là cho tới năm 2024 đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ.
"Đội tuyển Việt Nam giành chức vô địch Đông Nam Á năm 2018, lọt vào vòng tứ kết giải Vô địch châu Á, lần đầu tiên tham dự vòng loại cuối cùng World Cup 2022.
Đội U23 Việt Nam cũng giành ngôi á quân tại giải U23 châu Á năm 2018, lọt vào vòng bán kết Asiad 2018, giành HCV tại 2 kỳ SEA Games 30, 31 liên tiếp vào các năm 2019 và 2022.
Trên bảng xếp hạng của FIFA, tuyển Việt Nam đã có thời gian đứng thứ hạng từ 94 tới 97, tại châu Á đứng vị trí 14 (năm 2020) và đứng đầu khu vực Đông Nam Á.
Trong khi đó, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam cũng xuất sắc giành vé tham dự vòng chung kết World Cup năm 2023 cùng với thành tích 3 lần liên tiếp giành HCV tại các kỳ SEA Games 2017, 2019, 2022 nâng tổng số lần vô địch SEA Games lên 8 lần", ông Trần Anh Tú nhấn mạnh những thành tích bóng đá Việt Nam đạt được.
Tuy nhiên ông Trần Anh Tú thừa nhận hiện tại còn nhiều vấn đề hạn chế làm cản trở sự phát triển của bóng đá Việt Nam như thiếu sự chỉ đạo đồng bộ trong các hoạt động bóng đá, công tác tuyển chọn, đào tạo tài năng bóng đá trẻ, hệ thống cơ sở vật chất, sân bóng và các cơ sở đào tạo bóng đá trong toàn quốc còn có sự khác nhau, các học viện bóng đá theo tiêu chuẩn quốc tế còn ít...
Ngoài ra, bóng đá Việt Nam chậm áp dụng khoa học công nghệ trong công tác đào tạo, quản lý, huấn luyện bóng đá và xây dựng dữ liệu chuyên môn. Từ đó ông Trần Anh Tú cũng đưa ra nhiều giải pháp quan trọng để giúp phát triển bóng đá Việt Nam như tập trung đào tạo cầu thủ trẻ, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, y học thể thao hiện đại trong tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng bóng đá...
Cũng tại hội nghị, nhiều tham luận chia sẻ về kinh nghiệm quý báu trong việc phát triển TDTT ở các địa phương như Đà Nẵng, Cần Thơ, Đăk Lăk, Hà Giang cũng góp thêm cái nhìn tổng quan và sâu sát cho định hướng chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
"Việc thực hiện Chiến lược này là một nhiệm vụ khó khăn nhưng đầy ý nghĩa. Thành công của chiến lược này không chỉ phụ thuộc vào sự nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước mà còn cần sự chung tay của toàn xã hội, của mỗi người dân.
Tôi tin rằng, với sự quyết tâm cao và sự đồng lòng của cả nước, chúng ta sẽ biến những mục tiêu đề ra trong Chiến lược thành hiện thực, đưa thể thao Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh, văn minh", Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương khẳng định trong phát biểu tổng kết hội nghị.