Đội U23 Malaysia (gồm hầu hết cầu thủ bản địa) đã gây thất vọng ở giải U23 Đông Nam Á khi hứng chịu thất bại 0-2 trước U23 Philippines (vốn chưa bao giờ được đánh giá cao ở giải trẻ). Mặc dù họ đã thắng 7-1 trước U23 Brunei ở lượt trận thứ hai nhưng không thể xoa dịu tình hình.
Trong khi đội tuyển Malaysia đang thi đấu thăng hoa nhờ dàn cầu thủ nhập tịch từ châu Âu và Nam Mỹ thì đội trẻ Malaysia lại sa sút nghiêm trọng.
Trước thực trạng ấy, tờ New Straits Times đã nhận xét thẳng thắn về thực trạng đáng buồn. Họ có bài viết: “Bóng đá trẻ Malaysia đang sụp đổ”. Tờ báo này bình luận: “Trong khi Harimau Malaya (biệt danh của đội tuyển Malaysia) thắng đậm đội tuyển Việt Nam 4-0 tại vòng loại Asian Cup tháng trước nhờ vào làn sóng cầu thủ nhập tịch thì đội trẻ Malaysia lại gây thất vọng lớn ở giải U23 Đông Nam Á.
Dù được xem là bước đệm quan trọng trong quá trình phát triển của bóng đá Malaysia nhưng đội U23 Malaysia loạng choạng. Họ thiếu định hướng, không chiến thuật, và đáng ngại hơn cả, là hoàn toàn vô hại.
Sau trận thua bạc nhược 0-2 trước U23 Philippines, họ đã chiến thắng 7-1 trước U23 Brunei, đội bóng vốn được xem là “rổ đựng bóng” của khu vực Đông Nam Á. Thế nhưng, ngay cả tỉ số áp đảo đó cũng không thể che giấu căn bệnh trầm kha của bóng đá Malaysia.
Mọi thứ sụp đổ ngay từ trận ra quân thảm họa của U23 Malaysia, khi cầu thủ 18 tuổi Otu Bisong của Philippines khiến hàng thủ Malaysia rối loạn và ghi cú đúp. Các cầu thủ trẻ Malaysia không chỉ chơi kém cỏi, họ trông như thể bị lạc lối hoàn toàn trên sân.
HLV Nafuzi Zain, người từng được ca ngợi vì lối chơi pressing linh hoạt ở Terengganu và Kedah, đã không thể truyền được cảm hứng cho lứa cầu thủ này. Thông số kiểm soát bóng lên đến 70% trước U23 Philippines chỉ đẹp trên giấy tờ nhưng với tỷ lệ dứt điểm chính xác chỉ 23%. Mọi thứ giống như “nấu nướng bày biện đẹp mà không có thịt”.
Điều đáng báo động là sự thiếu khẩn trương, thiếu thủ lĩnh, và không có khả năng thích nghi chiến thuật. Những cầu thủ U23 Malaysia giống như cầu thủ nghiệp dư hơn là đại diện cho quốc gia.
Vấn đề đáng lo ngại hơn chính là việc hệ thống đào tạo trẻ của Malaysia đang trong tình trạng rối ren. Câu nói đùa đang lan truyền trong giới bóng đá Malaysia đã nói lên tất cả: “ Tại sao Liên đoàn bóng đá Malaysia (FAM) không nhập tịch luôn các cầu thủ trẻ để lấp đầy đội U23 nước nhà?".
Dù mang tính châm biếm, nhưng lại rất gần với thực tế đau lòng. Hệ thống từng sản sinh ra những nhà vô địch AFF Cup và Huy chương vàng SEA Games giờ đã cạn kiệt. Dự án phát triển bóng đá Harimau Muda đã bị xóa sổ từ lâu. Giải MFL Cup, giải đấu U23 duy nhất đúng nghĩa, cũng vừa bị khai tử.
Vậy còn gì sót lại? Vài trận giao hữu và cả đống hy vọng viển vông. Tệ hơn nữa, mùa giải vô địch quốc gia Malaysia 2025/26 sẽ cho phép các CLB đăng ký đến 15 cầu thủ ngoại. Vâng, tới 15 người. Cộng thêm làn sóng nhập tịch và cầu thủ lai ngày càng tăng, bỗng chốc chẳng còn chỗ cho tài năng nội địa tỏa sáng.
Phần lớn cầu thủ U23 thậm chí còn không có chỗ ngồi dự bị, chứ đừng nói đến ra sân thi đấu. Vậy họ sẽ đi đâu? Nhiều người sẽ bị đẩy xuống giải A1 League, được gọi là hạng bán chuyên. Nghe thì là “nền tảng phát triển”, nhưng thực chất là “vùng đất lãng quên” của bóng đá. Một vài CLB hoạt động chuyên nghiệp, nhưng nhìn chung trình độ, sự cạnh tranh và độ phủ sóng đều rất thấp. Cầu thủ chơi ở đó sẽ không tiến bộ. Họ sẽ dần biến mất.
Thật khác xa so với thế hệ vàng trước kia. Lứa cầu thủ giành HCV SEA Games 2009 là nòng cốt giúp Malaysia vô địch AFF Cup 2010, danh hiệu quốc tế lớn duy nhất của quốc gia này trong thời gian gần đây. Năm 2011, lứa U23 Malaysia dưới thời HLV Ong Kim Swee tiếp tục duy trì chuỗi phát triển. Đến năm 2018, U23 Malaysia gây tiếng vang khi vào tứ kết giải U23 châu Á. Nhưng sau đó là hai lần bị loại ngay từ vòng bảng vào các năm 2022 và 2024.
Tất cả như lời cảnh báo. Các đội trẻ giờ không còn là bệ phóng lên tuyển. Chúng chỉ còn là thủ tục để “cho có”. Sự ám ảnh với thành tích ngắn hạn, dựa vào cầu thủ nhập tịch và gốc gác nước ngoài, đang che mắt chúng ta trước thực trạng mục ruỗng bên trong.
Nhưng điều đáng lo là chiến lược đó có hạn sử dụng. 5 năm nữa, khi thế hệ cầu thủ nhập tịch treo giày, ai sẽ là người gánh vác tương lai? Khi không còn một nền tảng nội địa đủ mạnh để kế thừa? Bóng đá luôn xoay vòng. Và lúc này, Malaysia đang chạy thẳng vào ngõ cụt”.
Ở trận đấu cuối cùng ở bảng A, U23 Malaysia cần phải giành chiến thắng với cách biệt 2 bàn trở lên trước chủ nhà U23 Indonesia mới giành vé đi tiếp. Đó thực sự là nhiệm vụ khó hơn lên trời với đội trẻ Malaysia.