Bàn thắng của Supachok Sarachat vào lưới đội tuyển Việt Nam trong trận chung kết lượt về vẫn tiếp tục được quan tâm, ông đánh giá thế nào về chuyện này?
- Bàn thắng đấy tự bản thân nó đã gây tranh cãi, nên việc nó được nhắc đi nhắc lại trong những ngày qua cũng là điều dễ hiểu. Như tôi đã nói, đây là hành động thiếu fair-play (thiếu cao thượng). Lẽ ra Supachok nên trả bóng lại cho đội tuyển Việt Nam.
Tuy nhiên, việc này nên dừng ở mức xem đấy là sai lầm của Supachok. Cầu thủ người Thái Lan đã trả giá cho sai lầm của chính mình, đội tuyển Thái Lan cũng đã trả giá cho sai lầm từ chính thành viên trong đội của họ.
Đội tuyển Thái Lan tuy có thêm một bàn thắng như họ đã mất đi quá nhiều, từ tinh thần của các cầu thủ, phản ứng của khán giả trung lập, cho đến cái nhìn thiếu thiện cảm từ phía trọng tài, tất cả nên dừng lại trong khuôn khổ một trận đấu bóng đá.
Những điều mà đội tuyển Thái Lan mất đi sau bàn thắng của Supachok là gì, thưa ông?
- Tinh thần của cầu thủ Thái Lan hoang mang vì bị phản ứng quá mạnh. Họ không còn là chính họ trong những phút cuối trận. Điều này thể hiện qua việc Thái Lan mắc rất nhiều sai lầm sau đó.
Trọng tài cũng thiếu thiện cảm với các cầu thủ Thái Lan sau bàn thắng của Supachok. Theo tường thuật của một số phương tiện truyền thông trong ít ngày qua, trọng tài Ko Hyung Jin (người Hàn Quốc) có thương lượng với đội Thái Lan, để họ trả lại bàn thắng cho đội tuyển Việt Nam.
Phía đội Thái Lan ra hiệu không chấp nhận điều này, chúng ta thấy sau đó trọng tài bắt đầu có những quyết định cứng rắn hơn với các pha tranh chấp của cầu thủ Thái Lan. Tấm thẻ đỏ của Weerathep Pomphan ở phút thứ 75 là hệ quả tất yếu của việc cầu thủ Thái Lan vừa xuống tinh thần, vừa lộ rõ ý định thiếu fair-play với trọng tài.
Riêng bản thân Supachok, tự thân cầu thủ này cũng gây thất vọng với chính những nhà chuyên môn theo dõi giải đấu, sau thất bại trước đội tuyển Việt Nam và sau cách anh ghi bàn như trên.
Vì sao Supachok lại gây thất vọng với tình huống ghi bàn vừa nêu?
- Đầu tiên, bàn thắng đấy thiếu fair-play như chúng ta đã thấy. Thứ nhì, cách Supachok Sarachat phản ứng với diễn biến trên sân phản ánh cầu thủ này vẫn còn ở cách khá xa trình độ của "Messi Thái" Chanathip Songkrasin, cho dù Surachok được kỳ vọng sẽ thay thế vị trí của Chanathip.
Chanathip "quái" hơn nhiều. Cậu ấy không bao giờ ghi bàn theo cách Supachok ghi bàn. Chanathip không ghi bàn theo kiểu đặt đồng đội vào thế bất lợi về tâm lý. Lúc đó mới qua phút thứ 60, thời gian vẫn còn dài, Thái Lan vẫn còn rất nhiều thời gian để gỡ hòa trong bối cảnh họ đang ép sân mạnh.
Ngược lại, sau khi Supachok ghi bàn, Thái Lan mất nhiều hơn được. Đặc biệt, từ thời điểm Weerathep bị thẻ đỏ, ngay lúc đó tôi phán đoán trận đấu xem như chấm dứt với Thái Lan.
Còn 15 phút của giờ thi đấu chính thức, 20 phút của thời gian bù giờ cho hiệp hai, thêm 30 phút hiệp phụ nếu hai đội vẫn hòa nhau sau hai lượt trận. Khoảng 65 phút còn lại, Thái Lan chơi thiếu người, làm sao đủ thể lực để có thể trụ nổi.
Có lẽ câu chuyện về Supachok nên dừng lại tại đây?
- Supachok đã có bài học đắt giá cho cậu ấy, chỉ vì một bàn thắng không nên xảy ra. Tôi nghĩ như thế đã đủ, mọi chuyện nên khép lại tại đây. Mọi việc nên khép lại trong khuôn khổ của một trận đấu. Hơn nữa, nói cho cùng chúng ta đã có chiến thắng, chiến thắng đẹp từ chính bàn thắng sai lầm của đối phương.
Về phía chúng ta, chúng ta cũng cần có cái nhìn khách quan hơn, đó là trong bàn thắng của Supachok, bản thân đội tuyển Việt Nam cũng có sai sót.
Chúng ta mất tập trung, bóng đã qua vài nhịp (từ pha ném biên, bóng đến chân một cầu thủ Thái Lan, cầu thủ này sau đó chuyền cho Supachok) trước khi Supachok dứt điểm, nhưng các cầu thủ Việt Nam vẫn không áp sát vì nghĩ rằng họ sẽ trả bóng lại. Đó cũng là sai sót.
Mỗi bên đều có điểm cần rút kinh nghiệm, từng bên rút kinh nghiệm để phát triển tốt hơn. Đó là bóng đá. Việc người hâm mộ Việt Nam bình chọn để Supachok nhận giải bàn thắng đẹp nhất trận chung kết lượt về, khiến cầu thủ Thái Lan bị mỉa mai lúc này có lẽ cũng không nên nữa.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!